Đoạt Nghĩa Thắng Đổng_Xương

Năm 886, Đổng Xương và Tiền Lưu thảo luận về hành động tiếp theo đối với Chiết Đông — nay đổi tên thành Nghĩa Thắng (義勝), ông nói với Tiền Lưu "Nếu ngươi lấy được Việt châu [(越州, trị sở của Nghĩa Thắng)], ta sẽ trao Hàng châu cho ngươi." Tiền Lưu chấp thuật, đáp lại: "Đúng vậy, nếu không lấy thì rốt cuộc sẽ là hậu hoạn." Tiền Lưu do đó đem quân Hàng châu tiến công Lưu Hán Hoành, liên tiếp giành chiến thắng. Đến đông năm 886, Tiền Lưu chiếm được Việt châu, Lưu Hán Hoàng bị thuộc hạ là Thai châu[c 7] thứ sử Đỗ Hùng (杜雄) bắt giữ. Đổng Xương cho xử tử Lưu Hán Hoành, chuyển quân phủ đến Việt châu, tự xưng quản lý quân phủ sự của Chiết Đông, cho Tiền Lưu quản lý châu sự của Hàng châu. Ngày Tân Tị (7) tháng 1 năm Đinh Mùi (3 tháng 2 năm 887), Đường Hy Tông bổ nhiệm Đổng Xương là Chiết Đông quan sát sứ, bổ nhiệm Tiền Lưu là Hàng châu thứ sử.[8] Sau đó, Đổng Xương được thăng làm Nghĩa Thắng quân tiết độ sứ, sau đó quân đổi tên thành Uy Thắng (威勝).[3]

Vào lúc đầu, Đổng Xương cai trị liêm khiết và công bằng, người dân rất yên ổn. Ông cũng chấm dứt thuế muối nặng nề. Hơn nữa, Đổng Xương còn được cho là trung thành với triều đình do đương thời, trong khi các quân phiệt khác không cống cho triều đình thì chỉ có Đổng Xương thường xuyên hiến thuế — mỗi tuần (10 ngày) một lần, triều đình dựa vào tài sản ông đưa đến mới có thể tiếp tục hoạt động. Do đó, Đổng Xương được trao chức kiểm hiệu thái úy, đồng trung thư môn hạ bình chương sự, phong tước Lũng Tây quận vương. Tuy nhiên, sau đó ông lại cai trị nghiêm ngặt tàn ác, tùy ý đánh đập người dân, thậm chí đồ sát cả gia tộc vì các tội tương đối nhỏ, dọa giết để đoạt tài sản của người dân. Theo như ghi chép thì khi phân xử, ông lại bắt người kiện cáo đánh bạc; bên thắng sẽ thắng kiện, còn bên thua thì bị giết. Ông cũng cho xây dựng một đền thờ chính mình, tức sinh từ, ở Việt châu, chế độ đều giống như miếu — mệnh dân gian không đến thờ cúng tại Vũ miếu mà chỉ được đến sinh từ.[3][9]Năm 893

Gia đình của Phúc Kiến[c 8] quan sát sứ Trần Nham (陳巖) có quan hệ hôn nhân với gia đình của Đổng Xương. Sau khi người này qua đời năm 891, muội phu là Phạm Huy (范暉) và thuộc hạ của Trần Nham là Tuyền châu[c 9] thứ sử Vương Triều tranh đoạt quyền kiểm soát Phúc Kiến, Vương Triều bao vây thủ phủ Phúc châu. Phạm Huy cầu viện Đổng Xương, Đổng Xương phái năm nghìn quân đến cứu. Tuy nhiên, Vương Triều chiếm được thành trước khi quân Uy Thắng đến, Phạm Huy chết trận; Đổng Xương sau đó cho rút quân về.[9]

Năm 894, Đổng Xương dâng biểu cầu Đường Chiêu Tông phong cho tước Việt vương. Dù triều đình chưa chấp thuận ngay, Đổng Xương cảm thấy không vui. Có kẻ nịnh bợ khuyên ông xưng là Việt Đế.[9] Ngày Tân Mão (3) tháng 2 năm Ất Mão (3 tháng 3 năm 895), ông lên ngôi hoàng đế; trước đó ông đã giết bất cứ quan lại nào phản đối việc này. Đổng Xương đặt quốc hiệu là "Đại Việt La Bình Quốc", cải niên hiệu là Thuận Thiên năm đầu, lệnh quần hạ gọi mình là "thánh nhân".[2]